Sáng 28/12, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương và lãnh đạo của các tỉnh thành trong cả nước tại các điểm cầu địa phương.
Tại điểm cầu Bình Định, tới dự và chủ trì có đồng chí Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu. Dự hội nghị có Đại diện các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố; Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, đại diện lãnh đạo các phòng, cơ quan trực thuộc Sở Giao thông vận tải Bình Định; đại diện các doanh nghiệp trong ngành tại địa phương.
Được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, năm 2023, hầu hết các mặt công tác của Bộ GTVT đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Theo đó, trong năm 2023, Bộ GTVT đã trình Chính phủ 13/13 dự thảo Nghị định. Vốn đầu tư công được giao lớn nhất từ trước đến nay với hơn 94.000 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân dự kiến đạt 95%. Bộ GTVT đã khởi công 26 Dự án, có 09 Dự án thành phần đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước. Đến nay 5/5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông theo Luật Quy hoạch đã được Bộ GTVT hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Năm 2024, phấn đấu khối lượng hàng hóa tăng khoảng 7%, hành khách tăng khoảng 8% so với năm 2023. Bộ GTVT sẽ tập trung tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Đường bộ để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7; Tiếp tục siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải, nhất là vận tải đường bộ, đường thủy nội địa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải; Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các Dự án và hoàn thành thủ tục khởi công 19 Dự án trong năm 2024…
Đối với tỉnh Bình Định, năm 2023, ngành Giao thông vận tải của tỉnh đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra đạt nhiều kết quả tích cực. Trong thời gian qua, tỉnh Bình Định đã tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình lập các Quy hoạch Quốc gia thuộc lĩnh vực Giao thông vận tải thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch Cảng hàng không, Hệ thống đường sắt, Cảng biển,…). Hoàn thành quy hoạch phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14/12/2023. Hoàn thành Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 1686/QĐ-BGTVT ngày 22/12/2023.
Khối lượng vận tải hàng hóa tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022; vận tải hành khách tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2022. Sở GTVT đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ GTVT, các Chủ đầu tư dự án, địa phương và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, vay vốn Ngân hàng Thế giới WB và dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025, đến thời điểm hiện tại đã bàn giao cơ bản toàn bộ mặt bằng cho Chủ đầu tư triển khai dự án. Trong đó, dự án Đường bộ cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh đã thực hiện được: đã bàn giao cho Chủ đầu tư phần tuyến chính diện tích 946,12/953,19 ha, đạt 99,3%, chiều dài 116,4/117,99km, đạt 98,7%; giao đất tái định cư được 904/904 hộ phải bố trí tái định cư, đạt 100%, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ còn tồn tại 01 tổ chức và 18 hộ dân (chiếm tỷ lệ 0,15%, trên tổng số 11.771 hộ bị ảnh hưởng), dự kiến sẽ cơ bản bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho Chủ đầu tư trước ngày 31/12/2023.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng kiến nghị với Bộ GTVT tiếp tục quan tâm hỗ trợ sớm triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku hoàn thành trước năm 2030 theo Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, hỗ trợ đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến Quốc lộ 19B, 19C qua địa bàn tỉnh theo quy hoạch được duyệt, nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công xây dựng dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, vay vốn Ngân hàng Thế giới (tuyến Quốc lộ 19), sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa được an toàn thuận lợi; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý và các Nhà đầu tư BOT các tuyến Quốc lộ trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra, kịp thời sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, bất cập về hạ tầng giao thông trên tuyến để đảm bảo an toàn giao thông. Cho chủ trương bổ sung đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng 05 đoạn tuyến kết nối từ các nút giao liên thông của cao tốc Bắc - Nam đến Quốc lộ 1 (với tổng chiều dài khoảng 21km, đạt quy mô đường cấp III đồng bằng (Bn/Bm=12m/11m), nhằm phát huy hiệu quả khai thác tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025 địa phận tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội địa phương theo tinh thần Công điện số 769/CĐ-TTg ngày 26/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh ngành GTVT tiếp tục quán triệt nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; đẩy mạnh hơn nữa, lấy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là động lực, nguồn lực, sự dẫn dắt trong việc khảo sát, thiết kế, tổ chức thi công, giám sát, tổ chức thi công, bảo hành, bảo trì, các công trình trọng điểm góp phần bảo đảm tiến độ, chất lượng, giảm giá thành, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm phát triển nhanh và bền vững các công trình, dự án giao thông; Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của từng lĩnh vực...
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thay mặt toàn thể cán bộ, nhân viên cảm ơn những đánh giá, ghi nhận của lãnh đạo Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, đơn vị, địa phương. Đồng thời khẳng định, năm 2024 toàn thể cán bộ, nhân viên Bộ GTVT tiếp tục đoàn kết, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.