Đề án “Đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt”
Thứ ba - 31/03/2020 16:50
Ngày 10/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 358/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt”. Mục tiêu tổng quát của Đề án là tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang an toàn giao thông đường sắt; lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật trong việc giữ gìn hành lang an toàn giao thông đường sắt; đưa Luật Đường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt vào thực tế hoạt động; nâng cao an toàn giao thông trong lĩnh vực đường sắt nói riêng và trong lĩnh vực giao thông vận tải nói chung. Mục tiêu cụ thể là giảm tai nạn giao thông đường sắt từ 5% đến 10% hàng năm; hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.
Về lộ trình thực hiện, Đề án xác định: đến hết năm 2020 sẽ xây dựng 29,70km đường gom, hàng rào ngăn cách và xây dựng mới 08 đường ngang; giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025 sẽ xây dựng 645,93km đường gom, hàng rào ngăn cách, xây dựng mới 297 đường ngang, 149 hầm chui và 03 cầu vượt các loại.
Kinh phí thực hiện được quy định cụ thể: Kinh phí lập hồ sơ quản lý hành lang an toàn giao thông đường sắt và cắm mốc giới hành lang an toàn giao thông đường sắt trong khu vực đô thị; kinh phí tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt; kinh phí xử lý các vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt, kinh phí xây dựng đường ngang, hầm chui được bố trí từ ngân sách nhà nước. Đối với tỉnh Bình Định, năm 2020 được bố trí 4,22 tỷ đồng và giai đoạn 2021 – 2025 được bố trí 283,76 tỷ đồng.
Về tổ chức thực hiện, bên cạnh trách nhiệm của các bộ ngành trung ương, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đường sắt đi qua được nêu chi tiết:
a) Rà soát diện tích đất trong hành lang an toàn giao thông đường sắt đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân và có biện pháp thu hồi diện tích đất đã cấp.
b) Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan quản lý đường sắt để rà soát, thống kê, phân loại các công trình vi phạm, các công trình gây ảnh hưởng mất an toàn giao thông đường sắt.
c) Phê duyệt phương án cắm mốc, công bố công khai phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt đã được phê duyệt.
d) Thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ, chống lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt; chấn chỉnh việc giao, cho thuê đất và sử dụng đất đai vi phạm quy định bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt.
đ) Có hình thức xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn giao thông đường sắt.
e) Chủ trì tổ chức, quản lý lối đi tự mở qua đường sắt:
- Hoàn thiện công tác rà soát, cập nhật, phân loại, lập hồ sơ quản lý vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt, lối đi tự mở trên tuyến đường sắt quốc gia đang khai thác;
- Quản lý, theo dõi lối đi tự mở, kịp thời có biện pháp kiềm chế, ngăn chặn, không phát sinh lối đi tự mở;
- Tổ chức thực hiện các biện pháp tăng cường bảo đảm an toàn giao thông đường sắt tại các lối đi tự mở;
- Lắp đặt thiết bị đèn cảnh báo giao thông tại các lối đi tự mở là các vị trí nguy hiểm gây mất an toàn giao thông;
- Rà soát, kiểm tra các lối đi tự mở vào 01 hộ dân để quản lý, có cam kết của chủ hộ với Ủy ban nhân dân cấp xã về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt;
- Cắm biển hạn chế phương tiện giao thông đường bộ tại các lối đi tự mở; gờ, gồ giảm tốc để cảnh báo cho các phương tiện giao thông khi qua các lối đi tự mở;
- Tổ chức phân luồng giao thông cho các phương tiện giao thông đường bộ qua lối đi tự mở nhằm giảm thiểu các phương tiện qua lại đường sắt;
- Làm êm thuận các lối đi tự mở theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải;
- Chủ trì, tăng cường giải tỏa tầm nhìn hai phía cho đường sắt, đường bộ tại các lối đi tự mở;
- Bố trí lực lượng Thanh tra giao thông và các lực lượng của công an tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính trong việc tuân thủ các quy định về an toàn giao thông đường sắt, đường bộ tại các lối đi tự mở.
g) Thực hiện giảm, xóa bỏ lối đi tự mở:
- Hoàn thiện quy hoạch giao thông khu vực để đề xuất Bộ Giao thông vận tải chấp thuận xây dựng đường ngang hoặc giao cắt lập thể phù hợp với thực tế;
- Kiểm tra, rà soát các lối đi tự mở vào một số hộ dân để tổ chức phân luồng giao thông, hoặc bố trí tái định cư để di dời các hộ dân này kết hợp xóa lối đi tự mở;
- Chủ trì tổ chức thực hiện, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường sắt, đơn vị kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt xây dựng đường gom, hàng rào để xóa bỏ các lối đi tự mở;
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng các đường ngang, cầu vượt, hầm chui qua đường sắt để thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở;
- Tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt;
- Có hình thức xử lý nghiêm, triệt để đối với các tổ chức, cá nhân để tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm, sử dụng đất trái phép dành cho đường sắt;
- Tổ chức thực hiện cưỡng chế, giải tỏa các công trình đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm mà không tự tháo dỡ và các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn giao thông đường sắt.
h) Tiếp tục vận động các đoàn thể chính trị tại địa phương tham gia cảnh giới tại các vị trí đường ngang đường sắt không bảo đảm an toàn giao thông; đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội tham gia xóa bỏ lối đi tự mở, đường ngang đường sắt theo quy định của pháp luật.
i) Định kỳ 06 tháng tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện Đề án trên địa bàn theo nhiệm vụ phân công và gửi Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường sắt Việt Nam.
Quyết định phê duyệt Đề án có hiệu lực kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Chi tiết nội dung Quyết định 358/QĐ-TTg được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ.