Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công
Thứ năm - 16/04/2020 16:14
Ngày 06/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công. Nghị định gồm 8 Chương và 54 Điều, quy định chi tiết một số nội dung tại Luật Đầu tư công, cụ thể:
- Hồ sơ, nội dung và thời gian thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm A, B, C. - Hồ sơ, nội dung và thời gian thẩm định, quyết định chương trình, dự án; nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư công nhóm A, B, C. - Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đầu tư công nhóm A, B, C tại nước ngoài. - Phân cấp thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án nhóm A, B, C sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư. - Lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch trung hạn và hằng năm vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Một số nội dung quan trọng của Nghị định số 40/2020/NĐ-CP: Về chi phí thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, Khoản 2 Điều 4 quy định: “Trường hợp dự án không được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, các khoản chi phí đã chi cho công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi được hạch toán và quyết toán vào chi phí chuẩn bị đầu tư trong chi đầu tư phát triển của bộ, cơ quan trung ương và các cấp chính quyền địa phương quản lý dự án.” Đối với thẩm quyền phê duyệt, đáng lưu ý tại Khoản 2 Điều 29 quy định “Chủ đầu tư phê duyệt thiết kế chi tiết và dự toán đối với trường hợp thiết kế hai bước.” Về trách nhiệm, thẩm quyền và biện pháp tổ chức, điều hành kế hoạch đầu tư công, Khoản 4 Điều 44 nêu rõ: Trường hợp đến ngày 31/01 năm sau năm kế hoạch, chủ đầu tư không giải ngân hết kế hoạch đầu tư công được giao mà không có các trường hợp bất khả kháng được phép kéo dài thời gian thực hiện thì sẽ bị cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách tương ứng với số vốn không giải ngân hết, không được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân và bị hủy dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đối với nhu cầu ứng trước vốn kế hoạch đầu tư công, Khoản 1 Điều 47 cho phép ứng trước kế hoạch vốn năm sau để thực hiện dự án đầu tư công thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành 06/4/2020. Bãi bỏ quy định tại khoản 2 Điều 6, Điều 46, Điều 47 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài áp dụng quy định tại Nghị định này và quy định của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một nội dung áp dụng quy định của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Chi tiết nội dung của Nghị định 40/2020/NĐ-CP được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ.