Ngày 30/9/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Thông tư gồm 5 chương 27 điều, quy định chi tiết các nội dung về: hóa đơn điện tử, thời điểm lập hóa đơn điện tử, định dạng hóa đơn điện tử, áp dụng hóa đơn điện tử, cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử, quản lý sử dụng hóa đơn điện tử, xây dựng quản lý cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử và tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử.
Đối tượng áp dụng của Thông tư này rất rộng, theo quy định tại Điều 2 bao gồm: Tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; Tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ; Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử; Cơ quan quản lý thuế các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, đăng ký và sử dụng hóa đơn. Về công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và không có mã của cơ quan thuế, từ Điều 8 đến Điều 17 thuộc Chương II của Thông tư quy định chi tiết về nội dung này.
Việc xây dựng, thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu hóa đơn điện tử được thực hiện theo nguyên tắc sau: xây dựng và quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; bảo đảm phục vụ kịp thời cho công tác quản lý thuế, quản lý khác của nhà nước; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm tính an toàn, bảo mật và an ninh quốc gia. Các thông tin, dữ liệu về hóa đơn điện tử được thu thập, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng thường xuyên, thuận tiện, hiệu quả, đảm bảo tính chính xác, trung thực và khách quan. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử được kết nối và khai thác dựa trên quy chế phối hợp, trao đổi thông tin với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan, giữa Trung ương với cấp tỉnh, giữa cấp tỉnh với cấp huyện (nếu đáp ứng điều kiện). Đối với tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử, Điều 23 quy định điều kiện chi tiết như sau: a) Về chủ thể: Có tối thiểu 05 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin; Đã triển khai hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin cho tối thiểu 10 tổ chức; Đã triển khai hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử giữa các chi nhánh của doanh nghiệp hoặc giữa các tổ chức với nhau. b) Về tài chính: Có cam kết bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam với giá trị trên 5 tỷ đồng để giải quyết các rủi ro và bồi thường thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ. c) Về nhân sự: Có tối thiểu 20 nhân viên kỹ thuật trình độ đại học chuyên ngành về công nghệ thông tin, trong đó có nhân viên có kinh nghiệm thực tiễn về quản trị mạng, quản trị cơ sở dữ liệu; Có nhân viên kỹ thuật thường xuyên theo dõi, kiểm tra 24h trong ngày và 7 ngày trong tuần để duy trì hoạt động ổn định của hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử và hỗ trợ người sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử. d) Về kỹ thuật: Có hệ thống thiết bị, kỹ thuật, quy trình sao lưu dữ liệu tại trung tâm dữ liệu chính theo quy định tại mục d, khoản 1 Điều 32 của Nghị định số 119/2018/NĐ-CP; Có hệ thống thiết bị, kỹ thuật dự phòng đặt tại trung tâm dự phòng cách xa trung tâm dữ liệu chính tối thiểu 20km sẵn sàng hoạt động khi hệ thống chính gặp sự cố; Kết nối trao đổi dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế phải đáp ứng yêu cầu theo quy định để đóng gói và truyền nhận dữ liệu. Tổng cục Thuế căn cứ quy định tại Điều 23 Thông tư này thực hiện ký hợp đồng cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử theo quy định Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 14/11/2019. Từ ngày 01 tháng 11 năm 2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư này. Chi tiết nội dung của Thông tư được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.