Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT
Thứ sáu - 27/03/2020 17:28
Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT do Tổng cục Đường bộ Việt Nam biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019. Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 và thay thế QCVN 41:2016/BGTVT.
Một số điểm khác biệt của Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT so với QCVN 41:2016/BGTVT được sơ lược như sau:
Quy chuẩn 41:2016/BGTVT quy định về vị trí đặt biển báo hiệu giao thông trên những đường mà mỗi chiều xe chạy có từ 2 làn đường trở lên, biển được treo trên giá long môn (khung treo biển báo hiệu phía trên mặt đường) hoặc cột cần vươn. Trong các trường hợp không đặt trên giá long môn hoặc cột cần vươn, thì có thể lắp đặt thêm biển báo phía bên trái của chiều xe chạy.
Tuy nhiên, Quy chuẩn 41:2019/BGTVT đã bỏ quy định buộc treo biển trên giá long môn hoặc cột cần vươn trên đường có mỗi chiều chạy xe từ 2 làn trở lên như Quốc lộ 1. Theo đó, quy chuẩn quy định biển báo hiệu đặt ở vị trí để người tham gia giao thông dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng. Ngoài ra, tùy từng trường hợp, có thể đặt bổ sung biển báo ở bên trái theo chiều đi.
Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, xe tải dưới 1,5 tấn sẽ không được xem là xe con như quy định hiện hành. Cụ thể, Quy chuẩn 41:2019/BGTVT quy định ôtô con (hay còn gọi là xe con) là ôtô được xác định theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, để chở người không quá 9 chỗ ngồi kể cả chỗ người lái. Xe bán tải (xe pick-up) có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950 kg, xe 3 bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg, trong tổ chức giao thông, được xem là xe con.
Còn ôtô tải (hay còn gọi là xe tải) là ôtô có kết cấu và trang bị chủ yếu để chuyên chở hàng hóa bao gồm cả ôtô đầu kéo, ôtô kéo rơ moóc và các loại như xe pick-up có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 950 kg trở lên.
Trong khi đó Quy chuẩn 41:2016/BGTVT hiện hành quy định ôtô con là: xe để chở người không quá 9 chỗ ngồi kể cả lái xe hoặc ôtô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1,5 tấn; ôtô con bao gồm các loại xe có kết cấu như xe máy 3 bánh nhưng có tải trọng bản thân xe lớn hơn 400 kg và tải trọng toàn bộ xe cho phép nhỏ hơn 1,5 tấn. Xe bán tải (xe pick-up) có khối lượng chuyên chở cho phép nhỏ hơn 1,5 tấn và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống được xem là xe con.
Còn ôtô tải là ôtô để chở hàng hoặc thiết bị chuyên dùng có khối lượng chuyên chở từ 1,5 tấn trở lên.
Quy chuẩn 41:2019/BGTVT quy định: tín hiệu vàng bật sáng, phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đã đi quá vạch dừng hoặc đã quá gần vạch dừng nếu dừng lại thấy nguy hiểm thì được đi tiếp. Quy định này không có sự khác biệt với quy định hiện hành. Trong khi đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt chỉ quy định mức phạt với hành vi "không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông". Chi tiết nội dung của Thông tư số 26/2019/TT-BGTVT ngày 01/8/2019 được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải.