Hướng dẫn kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi
Thứ hai - 18/11/2019 20:52
Ngày 05/11/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 76/2019/TT-BTC hướng dẫn kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi. Thông tư gồm 3 chương 9 điều, quy định về chứng từ kế toán, tài khoản kế toán và sổ kế toán dùng để hạch toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi (TSHTGT-TL) do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Đối tượng áp dụng của Thông tư gồm: (1) Cơ quan được thực hiện kế toán TSHTGT- TL theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi; (2) Doanh nghiệp được giao quản lý, sử dụng và khai thác TSHTGT-TL, không tính tài sản thuộc thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Giá trị hiện có và tình hình biến động tăng, giảm toàn bộ TSHTGT- TL mà cơ quan, đơn vị được giao quản lý và hạch toán theo nguyên giá thể hiện qua tài khoản 216 theo nguyên tắc hạch toán: Chỉ hạch toán vào tài khoản này những TSHTGT- TL thỏa mãn tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; Mở sổ theo dõi chi tiết nguyên giá, giá trị hao mòn lũy kế và giá trị còn lại của TSHTGT- TL. Mọi trường hợp tăng, giảm TSHTGT- TL phải căn cứ vào báo cáo kê khai lần đầu hoặc báo cáo kê khai bổ sung để hoàn chỉnh hồ sơ kế toán TSHTGT- TL. Mọi trường hợp phát hiện thừa, thiếu TSHTGT- TL so với sổ kế toán theo dõi đều phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Hao mòn TSHTGT-TL thể hiện qua tài khoản 218 theo nguyên tắc hạch toán: Giá trị hao mòn được thực hiện đối với tất cả TSHTGT- TL hiện có mà đơn vị được giao quản lý và hạch toán (không bao gồm cả TSHTGT- TL ủy thác cho đơn vị khác quản lý) trừ các TSHTGT- TL mà theo quy định của pháp luật không phải tính hao mòn; Thực hiện mỗi năm 1 lần vào tháng 12, trước khi khóa sổ kế toán. Trường hợp bàn giao, chia tách, sáp nhập, giải thể hoặc tổng kiểm kê đánh giá lại theo chủ trương của Nhà nước thì hao mòn TSHTGT- TL được tính tại thời điểm có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nguồn kinh phí đã hình thành TSHTGT-TL được hạch toán theo tài khoản 467 với nguyên tắc tăng trong các trường hợp: Nhận TSHTGT- TL do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao hoặc đơn vị khác bàn giao; Đánh giá lại TSHTGT- TL theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Nâng cấp, mở rộng TSHTGT- TL theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Và hạch toán theo nguyên tắc giảm trong các trường hợp: Phản ánh giá trị hao mòn TSHTGT- TL trong quá trình sử dụng; Các trường hợp ghi giảm do thanh lý, chuyển giao cho đơn vị khác tiếp tục quản lý và hạch toán và các trường hợp giảm khác; Bị hư hỏng nghiêm trọng do thiên tai, địch họa, sự cố bất khả kháng hoặc những tác động đột xuất khác.
Các đơn vị mở sổ TSHTGT-TL để hạch toán và theo dõi TSHTGT- TL. Các đơn vị được giao quản lý và hạch toán TSHTGT- TL thực hiện báo cáo TSHTGT- TL theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Đối với nội dung kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thay thế Thông tư số 98/2014/TT-BTC ngày 25/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Chi tiết nội dung của Thông tư số 76/2019/TT-BTC được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.