Quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ và đường thủy nội địa
Thứ năm - 16/04/2020 15:37
Ngày 08/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2020/NĐ-CP quy định Danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa. Nghị định này gồm 6 chương 32 điều, áp dụng với tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa trên phạm vi toàn quốc.
Theo Nghị định, hàng hóa nguy hiểm là hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi chở trên đường bộ hoặc đường thủy nội địa có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia. Chương III quy định về công tác vận chuyển hàng hóa nguy hiểm (trên đường bộ và đường thủy nội địa), trong đó có đưa ra các yêu cầu đối với người tham gia vận chuyển, phương tiện vận chuyển xếp, dỡ hàng hoá nguy hiểm trên phương tiện và lưu kho bãi. Trong đó, đáng lưu ý là Khoản 1 Điều 11 không cho phép vận chuyển các loại thuốc nổ, khí ga, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ khác đi qua các công trình hầm có chiều dài từ 100m trở lên. Chương IV quy định một số nội dung về Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm gồm: mẫu giấy phép; thời hạn của giấy phép; thẩm quyền cấp giấy phép; hồ sơ đề nghị cấp giấy phép; trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy phép. Cá biệt, một trong các trường hợp sau không phải đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm theo quy định tại Khoản 6 Điều 16 Nghị định này: a) Vận chuyển hàng hoá nguy hiểm là khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) và khí thiên nhiên nén (CNG) có tổng khối lượng nhỏ hơn 1.080 ki-lô-gam; b) Vận chuyển hàng hoá nguy hiểm là khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) có tổng khối lượng nhỏ hơn 2.250 ki-lô-gam; c) Vận chuyển hàng hoá nguy hiểm là nhiên liệu lỏng có tổng dung tích nhỏ hơn 1.500 lít; d) Vận chuyển hàng hoá nguy hiểm là hoá chất bảo vệ thực vật có tổng khối lượng nhỏ hơn 1.000 ki-lô-gam; đ) Vận chuyển hàng hoá nguy hiểm đối với các hóa chất độc nguy hiểm còn lại trong các loại, nhóm hàng hoá nguy hiểm. Về tổ chức thực hiện, bên cạnh trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương và UBND cấp tỉnh, Chương V có các điều khoản quy định trách nhiệm của các cá nhân liên quan trực tiếp đến công tác vận chuyển hàng hoá nguy hiểm, gồm: người thuê vận tải, người vận tải và người điều khiển phương tiện. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2020 và thay thế Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 của Chính phủ quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Nghị định số 29/2005/NĐ-CP ngày 10/3/2005 của Chính phủ quy định Danh mục hàng hoá nguy hiểm và việc vận chuyển hàng hoá nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa. Chi tiết nội dung của Nghị định số 42/2020/NĐ-CP được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Giao thông vận tải.