Thông tư quy định chi tiết một số nội dung liên quan đến yếu tố cá nhân gồm đăng kiểm viên thực tập, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ và tổ chức trong hoạt động kiểm định xe cơ giới. Đối với đăng kiểm viên thực tập, cần phải đáp ứng quy định tại điểm a và d khoản 1 Điều 14 của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP (Trình độ chuyên môn phù hợp; Có giấy phép lái xe ô tô còn hiệu lực), được tập huấn lý thuyết nghiệp vụ bao gồm 6 nội dung theo quy định tại Điều 4; Sau khi hoàn thành tập huấn lý thuyết nghiệp vụ, trong thời gian không quá 10 ngày làm việc, đăng kiểm viên thực tập phải triển khai thực hành kiểm định xe cơ giới tại đơn vị đăng kiểm trong thời gian tối thiểu 12 tháng theo quy định tại Điều 5. Đáng lưu ý, Người hướng dẫn thực tập phải là đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao hoặc đăng kiểm viên xe cơ giới có kinh nghiệm tối thiểu 36 tháng. Đối với đăng kiểm viên, trong suốt quá trình giữ hạng phải tham gia tập huấn cập nhật, bổ sung nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định của pháp luật có liên quan và tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác kiểm định xe cơ giới. Đối với đơn vị đăng kiểm, trong suốt quá trình hoạt động phải luôn đảm bảo các điều kiện về nhân lực theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP: Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 03 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao; Có phụ trách dây chuyền kiểm định. Mỗi phụ trách dây chuyền kiểm định chỉ được phụ trách tối đa hai dây chuyền kiểm định. Ngoài ra, còn phải niêm yết các nội dung theo quy định tại Điều 12 của Thông tư.
Về triển khai xây dựng đơn vị đăng kiểm, Điều 13 Thông tư quy định:
“1. Trước khi xây dựng đơn vị đăng kiểm, tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm phải thông báo với Cục Đăng kiểm Việt Nam các nội dung sau:
a) Vị trí xây dựng đơn vị đăng kiểm;
b) Thời gian dự kiến hoàn thành xây dựng và bắt đầu tham gia hoạt động kiểm định.
2. Trong quá trình xây dựng nếu có sự thay đổi các nội dung đã thông báo, tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm hoặc đơn vị đăng kiểm phải thông báo lại với Cục Đăng kiểm Việt Nam.
3. Sau khi hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt cơ sở vật chất kỹ thuật, đơn vị đăng kiểm lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 139/2018/NĐ-CP, trong đó:
a) Danh sách trích ngang các chức danh làm việc tại đơn vị theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Bản đối chiếu các quy định về cơ sở vật chất, dây chuyền kiểm định theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.”
Đối với nội dung kiểm tra, đánh giá điều kiện và duy trì điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, Điều 14 của Thông tư quy định một số điều kiện cụ thể về: diện tích mặt bằng của đơn vị đăng kiểm; xưởng kiểm định; thiết bị kiểm tra, dụng cụ kiểm tra; nhân lực; quy trình kiểm định; hồ sơ và dữ liệu.
Tổ chức thực hiện, Điều 16 quy định về trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam và Điều 17 quy định về trách nhiệm của các đơn vị đăng kiểm.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 05/7/2019 và thay thế Thông tư số 51/2016/TT-BGTVT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện Nghị định số 63/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Chi tiết nội dung của Thông tư số 18/2019/TT-BGTVT ngày 20/5/2019 được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tảivà Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Tác giả bài viết: Lê Anh Tuấn - KHTC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn