Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Thứ sáu - 14/02/2020 08:26
Ngày 17/01/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP uy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Nghị định này gồm 7 chương 37 điều, quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và việc cấp, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu, biển hiệu; quy định về công bố bến xe. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc liên quan đến kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, Nghị định quy định một số loại hình: Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định;
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định;
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi; (đơn vị kinh doanh có thể lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” trên nóc xe hoặc dán niêm yết cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe)
Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (có thể sử dụng hợp đồng điện tử);
Kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô.
Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, theo quy định đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải chịu trách nhiệm việc xếp hàng hóa lên xe ô tô theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và cấp cho lái xe Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường.
Theo khoản 5 Điều 11, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết về xây dựng, thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và lộ trình áp dụng.
Điều 13 và 14 quy định chặt chẽ về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng xe ô tô, trong đó đặc biệt lưu ý là trước ngày 01/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo: Tối thiểu 24 giờ đối với xe hoạt động dưới 500km và tối thiểu 72 giờ đối với xe hoạt động trên 500km.
Điều 17, 18, 19 và 20 quy định một số nội dung chi tiết về Giấy phép kinh doanh và quy trình đăng ký, ngừng khai thác tuyến vận tải hành khách cố định. Điều 22 quy định về quản lý sử dụng, cấp, cấp lại và thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Theo đó, có nội dung đáng quan tâm là “thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm đối với trường hợp khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi phương tiện trong 01 tháng cho thấy có từ 05 lần vi phạm tốc độ/1000 km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 05 km/h trở xuống)”.
Về tổ chức thực hiện, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải thống nhất quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Nghị định này. Ngoài ra, bên cạnh trách nhiệm của các bộ ngành trung ương, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh được quy định tại Điều 33 như sau:
1. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện việc quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Xây dựng kế hoạch phát triển và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải đảm bảo phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân và thực trạng két cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn.
3. Quy định cụ thể về việc quản lý hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách trên địa bàn địa phương.
4. Xây dựng và công bố: Danh mục mạng lưới tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh; mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề; các điểm dừng đỗ phục vụ cho phương tiện kinh doanh vận tải đón, trả khách trên địa bàn.
5. Quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn; phối hợp với UBND cấp tỉnh có tuyến xe buýt đi qua để thống nhất thực hiện các nhiệm vụ nêu tại khoản 3 Điều 5 của Nghị định này; thống nhất với Bộ GTVT trước khi mở tuyến xe buýt có điểm đầu hoặc điểm cuối nằm trong khu vực cảng hàng không.
6. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để thực hiện:
a) Xây dựng các vị trí đón, trả khách cho xe taxi, xe buýt theo quy định tại khoản 5 Điều 5, khoản 6 Điều 6 của Nghị định này;
b) Quy định về tiêu chí và tổ chức, quản lý các vị trí đón, trả khách cho xe hợp đồng, xe du lịch trên địa bàn; xây dựng, công bố vị trí đón, trả khách cho xe hợp đồng, xe du lịch trong khu vực nội thành, nội thị thuộc các đô thị;
c) Thông báo vị trí bến xe hàng tại địa bàn;
d) Xây dựng và quản lý điểm đỗ taxi công cộng trên địa bàn.
7. Chỉ đạo Sở GTVT căn cứ vào danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh đã được công bố để thông báo trên Trang thông tin điện tử danh mục chi tiết từng tuyến.
8. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để xác định và chỉ đạo thực hiện lắp camera giám sát tại các vị trí cố định, tuyến đường để kiểm soát hoạt động của các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn.
9. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Nghị định này và các quy định pháp luật liên quan khác.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2020, cùng lúc bãi bỏ Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Chi tiết nội dung của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Giao thông vận tải.